Hành trình Về Nguồn Chi bộ Bảo vệ Ngày & Đêm
Hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất Đất Nước (30/04/1975 – 30/04/2024); 138 năm ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 – 01/5/2024); 134 Năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890-19/5/2024).
Hòa trong không khí của cả nước, là một Đảng viên đang công tác và sinh hoạt tại Chi bộ Công ty Bảo vệ Ngày & Đêm. Tôi đã rất vinh dự và tự hào khi Chi Bộ đã hành trình “Về nguồn”. Trọng tâm của chuyến đi là để tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ và học tập truyền thống vẻ vang bất khuất, sự hy sinh của những bậc tiền bối cho sự nghiệp độc lập dân tộc.
Ngày thứ 1: Nơi đoàn Chi bộ đặt chân đến đầu tiên trong hành trình về nguồn là tỉnh Nghệ An.
Nghệ An là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học; là mảnh đất đã sản sinh nhiều anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân lịch sử cho đất nước. Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Về với Quê Bác đoàn Chi Bộ Bảo vệ Ngày & Đêm đã ghé làm lễ viếng, dâng hương hoa và được BQL thuyết minh tại các điểm sau:
- Khu di tích Kim Liên (Hoàng Trù) – Quê Mẹ: Nơi ông bà ngoại và Bố mẹ Bác sống, nơi Bác sinh ra đến năm Bác được 5 tuổi .
- Làng Sen – Quê Nội của Bác: Ngôi nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc được người dân làm tặng khi ông đỗ Phó Bảng về làng Vinh quy bái tổ. Nơi Bác gắn bó 5 năm từ năm Bác 11 tuổi đến năm 16 tuổi cùng Bố và anh chị của mình.
- Đền Chung Sơn – đền thờ gia tiên Bác Hồ: được khánh thành năm 2020 gắn liền với Khu du lịch Núi Chung, nơi thờ gia đình Bác Hồ, thờ gia tiên Họ nội & Họ ngoại của Bác.
- Khu Mộ Bà Hoàng Thị Loan: là thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, tọa lạc ở lưng chừng núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ huyện Nam Đàn. Khu lăng mộ có 269 bậc đường đi lên (con số 69 là năm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mất tức năm 1969) và 242 bậc đường xuống (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về an táng tại đây tức năm 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 tuổi đời của bà.
- Khu tưởng niệm các chiến sỹ hi sinh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 (ngày 12/9/1930)
- Khu nhà tưởng niệm Tổng Bí Thư Lê Hồng Phong: Ông là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1935 đến năm 1936. Trước khi mất ông gửi lời nhắn nhủ: “Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng: Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
- Nhà lưu niệm đ/c Nguyễn Thị Minh Khai: Bà là nhà cách mạng, là một trong những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1930–1940, là người nữ Bí thư thành ủy Sài Gòn đầu tiên và duy nhất tới thời điểm hiện nay.
- Đoàn cũng đã gặp gỡ và giao lưu với các đồng chí Chi nhánh Công ty Bảo vệ Ngày và Đêm Nghệ An.
Ngày thứ 2: đoàn Chi bộ Bảo Vệ Ngày & Đêm di chuyển về Hà Tĩnh và Quảng Bình
1. Khu mộ đ/c Cố Tổng Bí Thư Trần Phú: là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương đầu tiên, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhận chức được 174 ngày thì đồng chí mất khi đó mới 27 tuổi.
2. Khu mộ 10 nữ Anh Hùng Liệt Sỹ TNXP – Ngã Ba Đồng Lộc: là khu mộ của 10 cô gái TNXP tuổi từ 17 – 24 là chân dung các liệt sỹ Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà và Trần Thị Hường thuộc tiểu đội 4 – Đại đội 552- Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng.
“Ngày 24/7/1968, máy bay của đế quốc Mỹ kéo đến trinh sát và giội bom dữ dội. Mặt đường 15A đã nham nhở các hố bom. Nhận lệnh, đúng 12h trưa, 10 cô gái TNXP do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng chưa kịp ăn cơm, vội chia nhau nắm mì luộc, rồi cầm cuốc xẻng, í ới gọi nhau ra mặt đường san lấp hố bom. Dưới mặt đất các chị cứ đào, xúc… bằng bất cứ giá nào để tuyến đường 15A phải được thông suốt cho đoàn xe chi viện đặc biệt cho chiến trường miền Nam đi qua được an toàn trong đêm đó.
16h cùng ngày, đến lượt ném bom thứ 15, một tốp máy bay Mỹ lao tới trút bom dữ dội, nhằm thẳng mục tiêu nơi các chị đang làm đường phía dưới. Mười cô gái không còn cách nào khác đã cùng nhau lánh tạm vào một căn hầm gần nhất bên đường, đợi cho máy bay đi qua sẽ ra làm tiếp cung đường còn lại. Bỗng một loạt bom rơi, đánh sập hầm… và tất cả bị vùi lấp…” Cả 10 cô gái cùng hy sinh vào lúc 16 giờ ngày 24-7-1968.
Chính nơi đây, giọng đọc của nữ hướng dẫn viên quá truyền cảm, làm cho tôi và rất nhiều người trong đoàn bùi ngùi xúc động không kiềm được nước mắt.
3. Khu mộ đồng chí Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong những thành viên sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là “Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.
Cuộc đời của Đại Tướng trải qua nhiều vị trí và chức vụ nhưng dù ở bất cứ vị trí nào, khó khăn nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao “Đảng đã phân công, mình là Đảng viên thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ…”
4. Động Phong Nha Kẻ Bàng: là một quần thể hang động nổi tiếng tại Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
5. Tượng đài mẹ Suốt anh hùng: Mẹ Suốt là một nữ Anh hùng Lao động trong Chiến tranh Việt Nam, người đã lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964 – 1967 dưới bom đạn của kẻ thù. Bà sinh năm 1908 tại thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Ngày thứ 3: Đoàn Chi bộ Bảo Vệ Ngày & Đêm di chuyển về tỉnh Quảng Trị và Huế
1. Đoàn làm lễ Viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn – Là nghĩa trang liệt sỹ lớn nhất tại Việt Nam. Có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2.
Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính Là nơi quy tập 10.333 phần mộ các liệt sỹ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn – còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Là nghĩa trang liệt sỹ lớn nhất tại Việt Nam.
2. Thành Cổ Quảng Trị: Đây là nghĩa trang không một nấm mộ, đài tưởng niệm được mô hình hoá thành nấm mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm năm1972 giữ vững Thành cổ trở thành sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định lòng yêu nước nhiệt thành, sự hy sinh cao cả cho chính nghĩa, vì sự nghiệp vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
3. Đại Nội Huế: là một phần trong Quần thể di tích Cố đô Huế, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc của triều đại nhà Nguyễn, tổ chức UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
4. Đoàn lên thuyền Rồng đi dạo trên Sông Hương, nghe Ca Huế và thả đèn hoa đăng cầu bình an: Ca Huế là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, là sự kết hợp hài hòa giữa hai dòng nhạc chính là ca nhạc dân gian và nhạc cung đình Huế. Ca Huế – một món ăn tinh thần, một thú vui tao nhã của người Huế. Vì thế, có nhiều người hay bảo nhau rằng: “Nếu chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì xem như chưa một lần đến Huế”.
Được sinh ra trong thời bình, chúng tôi càng trân trọng hơn những cống hiến của các bậc tiền bối và luôn hiểu rằng, để có được những điều kiện tốt đẹp như ngày hôm nay, là nhờ có sự hy sinh của bao thế hệ Cha Anh đi trước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Họ đã gác lại sau lưng tất cả để lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ Quốc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Tiếp bước truyền thống đó, chúng ta, những thanh niên đầy nhựa sống trong thời bình để tiếp nối ước mơ của bao thế hệ Cha Anh đi trước. Chúng ta hãy ra sức nỗ lực học tập, nghiên cứu và cống hiến để vun đắp cho những ước mơ và hoài bão cao đẹp của mình, ước mơ xây dựng sự nghiệp và tương lai vững chắc cho đất nước.
Cuộc hành trình về nguồn của tập thể Chi bộ Công ty bảo vệ Ngày và Đêm đã khép lại. Nhưng nó luôn nung nấu trong lòng của tất cả chúng tôi như chưa bao giờ kết thúc cuộc hành trình này. Như luôn nhắc nhở chúng tôi một phần nhỏ của thế hệ tương lai phải luôn khắc ghi những hình ảnh hào hùng mà ông cha ta để lại và nối tiếp những thế hệ mai sau.